Theo báo cáo từ Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai, cuộc khảo sát đã thu thập dữ liệu từ 20 doanh nghiệp nhỏ và vừa với 17 nội dung pháp lý khác nhau. Theo đánh giá, số lượng doanh nghiệp tham gia khảo sát ít so với số lượng doanh nghiệp thực tế trên địa bàn tỉnh, điều này cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp đến chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đạt được như kỳ vọng. Thực trạng này dẫn đến sự khó khăn trong việc đánh giá đầy đủ nhu cầu được hỗ trợ thực tế của doanh nghiệp cũng như công tác hỗ trợ pháp lý của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh, khiến cho việc đánh giá thành công của chương trình trở nên khó khăn.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được quan tâm hỗ trợ về pháp lý
Kết quả khảo sát cho thấy, doanh nghiệp quan tâm đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau tùy theo ngành, lĩnh vực và quy mô, trong đó nổi bật là luật kinh doanh, thuế và lao động. Trong đó, pháp luật về thuế là mối quan tâm hàng đầu (90%) bởi đây là một phần quan trọng trong quá trình hoạt động kinh doanh. Điều này phần nào phản ánh được sự cần thiết trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý, tăng cường các chương trình đào tạo và hội thảo về quy định thuế mới, hướng dẫn kê khai thuế và quản lý thuế hiệu quả nhằm tối ưu hóa chi phí thuế và tránh các rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, pháp luật doanh nghiệp cũng thu hút sự quan tâm lớn tập trung vào các quy định về thành lập, hoạt động và giải thể doanh nghiệp. Đây là những vấn đề cốt lõi trong hoạt động kinh doanh mà các doanh nghiệp cần nắm vững để đảm bảo tuân thủ pháp luật và phát triển bền vững.
Đề giải quyết được những vấn đề này, năm 2024 UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh xác định rõ 5 nhiệm vụ chính trong hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa gồm: Rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho DN trên địa bàn tỉnh. Phổ biến pháp luật về hỗ trợ pháp lý DN trên trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh. Xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của DN. Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý, giải đáp pháp luật cho DN.
Nhìn chung, công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được các sở, ban, ngành, Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh thực hiện cơ bản đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được phân công. Các doanh nghiệp đã được tiếp cận các thông tin pháp luật nhanh chóng; các chế độ, chính sách, pháp luật được giới thiệu, tập huấn kịp thời đến doanh nghiệp, góp phần nâng cao trình độ pháp luật cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai dự án, kế hoạch; giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, khó khăn, vướng mắc, góp phần hỗ trợ pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp, hạn chế rủi ro, tranh chấp trong kinh doanh của doanh nghiệp.
Ty nhiên, để nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn pháp lý. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức các chương trình đào tạo linh hoạt và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật.